Hội nghị còn có sự tham gia của Trưởng khối Dân vận, đại diện lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam, Công đoàn và cán bộ phụ trách công tác Dân vận Đảng ủy các xã, thị trấn; cùng Bí thư chi bộ, Trưởng thôn, Trưởng Ban Công tác Mặt trận các thôn, khối phố trên địa bàn huyện.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã được đồng chí Lê Thị Ngọc Lệ, Giảng viên chính Khoa Nhà nước và Pháp luật, Trường Chính trị tỉnh Quảng Nam, giới thiệu các chuyên đề quan trọng. Những nội dung này bao gồm các điểm nổi bật của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022; Nghị định số 59/2023/NĐ-CP ngày 14/8/2023 của Chính phủ về quy định chi tiết một số điều của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; Nghị định số 61/2023/NĐ-CP ngày 16/8/2023 của Chính phủ về xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của cộng đồng dân cư; Nghị quyết số 49/NQ-HĐND ngày 08/12/2023 của HĐND tỉnh Quảng Nam về biện pháp bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở trên địa bàn tỉnh; Nghị quyết số 06/NQ-HĐND ngày 07/5/2024 của HĐND huyện Phú Ninh về các biện pháp bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở trên địa bàn huyện.
Trong đó, Hội nghị tập trung vào những điểm mới quan trọng như: nội dung thực hiện dân chủ tại xã, phường, thị trấn; quy trình bầu và miễn nhiệm trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố; việc công khai thông tin tại cơ quan, đơn vị; tổ chức hội nghị định kỳ tại cộng đồng dân cư; và các nội dung cán bộ, công chức, viên chức, người lao động cần tham gia thảo luận, quyết định và giám sát.
Thông qua Hội nghị, các đại biểu được nâng cao nhận thức, trách nhiệm, kỹ năng thực thi và giải quyết các nhiệm vụ liên quan đến việc thực hiện dân chủ ở cơ sở. Điều này góp phần nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức và những người hoạt động không chuyên trách tại các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn huyện Phú Ninh.
Nho Long, Phòng Nội vụ huyện Phú Ninh